* Phóng viên: Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản
đánh giá Kanto là một trong những nghiệp đoàn tiếp nhận tu nghiệp sinh
(TNS) nước ngoài lớn nhất của Nhật Bản. Ông vui lòng cho biết đôi nét về
nghiệp đoàn?
- Ông Takeshi Fukuda: Chúng tôi thành lập từ năm
1990 và hiện có 180 công ty thành viên. Trong 10 năm đầu, chúng tôi nhận
TNS Trung Quốc và giúp khoảng 2.000 lao động nước này vào Nhật Bản.
Nhưng vì phát sinh nhiều vấn đề nên từ năm 2000, chúng tôi chuyển hướng
sang Việt Nam. Đến nay, chúng tôi đã hợp tác với các doanh nghiệp phái
cử đưa được khoảng 2.500 TNS Việt Nam sang Nhật Bản, trong đó khoảng 800
TNS đang tu nghiệp theo hợp đồng. Dự kiến sắp tới, mỗi năm chúng tôi
nhận khoảng 250 TNS Việt Nam.
* Ông đánh giá thế nào về lao động Việt Nam?
- Tôi cảm nhận con người Việt Nam và Nhật Bản thật gần gũi, có
những nét tương đồng về văn hóa. Cá nhân tôi luôn dành những tình cảm
tốt đẹp cho TNS Việt Nam. Đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, thích
nghi nhanh với công việc của lao động Việt Nam khiến họ ngày càng được
nhiều chủ sử dụng Nhật Bản lựa chọn
* Kể từ ngày 1-7-2010, Nhật Bản có những thay đổi
về chế độ TNS. Ông có thể cho biết việc thay đổi này đã ảnh hưởng như
thế nào đến lao động Việt Nam?
- Thay đổi lớn nhất ở chế độ này là thời hạn tu nghiệp được
giảm từ 1 năm xuống còn 1-2 tháng theo hợp đồng 3 năm. Có nghĩa lao động
nước ngoài được công nhận tư cách lao động chỉ sau 1-2 tháng nhập cảnh,
được ký hợp đồng lao động, làm thêm, hưởng lương bình thường... Nhờ
thế, thu nhập của họ tăng đáng kể trong năm đầu tiên so với trước đây
chỉ được hưởng trợ cấp tu nghiệp. Theo tôi, sau 1 năm áp dụng luật mới
(Luật Quản lý Xuất nhập cảnh và Công nhận tị nạn – PV) cùng với những
thay đổi ở chương trình TNS, tình hình tốt hơn rất nhiều cho lao động
nước ngoài. Giới chủ sử dụng Nhật Bản cũng thực thi quyền lợi, chế độ
tốt hơn cho lao động nước ngoài.
Lao động Việt Nam ở Nhật Bản trở về tại buổi họp mặt ngày 25-6 tại TPHCM
* Tình hình tiếp nhận lao động Việt Nam sang Nhật Bản
có trở ngại gì không, nhất là sau thảm họa động đất và sóng thần xảy ra
ngày 11-3?
- Nhân dân Việt Nam và cả lao động của các bạn đang tu nghiệp tại
Nhật Bản đã dành những tình cảm tốt đẹp cho nhân dân chúng tôi sau khi
thảm họa xảy ra. Tình cảm của Việt Nam dành cho Nhật Bản góp phần thắt
chặt thêm tình hữu nghị, hợp tác giữa hai nước, trong đó có hợp tác về
lao động. Cái gì sụp đổ, mất đi thì phải gầy dựng, làm lại. Nhu cầu sử
dụng lao động nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn duy trì bình
thường. Điều rất mừng là sau sự kiện này, chúng tôi có thêm cái nhìn
khác về lao động Việt Nam. Họ sẵn sàng cùng chúng tôi vượt qua khó khăn.
Đó cũng là lý do mà nhiều nghiệp đoàn, chủ sử dụng lao động Nhật Bản
thích lựa chọn và đang có xu hướng tập trung tuyển dụng lao động Việt
Nam
* Ông có lời khuyên nào đối với lao động Việt Nam muốn sang Nhật Bản?
- Chúng tôi hoạt động với mục đích tiếp nhận lao động các nước đang
phát triển để đào tạo chuyển giao kỹ thuật của Nhật Bản và hỗ trợ đào
tạo nhân lực quốc tế. Chúng tôi kỳ vọng sau khi hoàn thành hợp đồng 3
năm, lao động Việt Nam quay về nước vận dụng, phát huy các kỹ năng và
kiến thức đã học được đóng góp cho phát triển kinh tế, doanh nghiệp
trong nước. Để thực hiện được điều này, phải có sự nỗ lực, phấn đấu của
chính người lao động.
Ngoại ngữ là chìa khóa quyết định sự thành công. Lao động Việt
Nam muốn sang Nhật Bản nên dành thời gian học trước tiếng Nhật và tích
cực học sau khi sang đến nơi. Một khi sử dụng tốt tiếng Nhật, giao tiếp,
công việc của người lao động sẽ thuận lợi hơn. Sau khi về nước, người
lao động cũng sẽ thuận lợi hơn khi tìm việc và có công việc tốt trong
các công ty của Nhật đầu tư tại Việt Nam. Chúng tôi rất quan tâm đến vấn
đề này và tích cực hỗ trợ để giúp lao động Việt Nam nâng cao kỹ năng.
Nguồn: http://nld.com.vn