Năm 2010: Khó về đích
Theo
Trung tâm Lao động ngoài nước, 11 tháng đầu năm 2010 các doanh nghiệp
XKLĐ trên cả nước đã đưa được 75.850 người đi làm việc ở nước ngoài.
Trong đó Đài Loan (Trung Quốc) vẫn đứng đầu bảng về tiếp nhận lao động
Việt Nam và số lượng này chiếm hơn 1/3 tổng số lao động đi làm việc ở
nước ngoài. Tiếp đến là Malaysia với 9.479 người, Hàn Quốc 7.693 người,
Nhật Bản 4.215 người, Lào 5.447 người, Các tiểu vương quốc Arập thống
nhất (UAE) 5.049 người, Libya 4.644 người, Campuchia 3.236 người, Arập
Xêút 2.511 người…
Ông
Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ nhận định, trong năm 2010, kế
hoạch đưa 85.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài có khả năng sẽ không
hoàn thành. Lý giải cho việc này, ông Trào cho rằng, mặc dù nền kinh tế
sau khủng hoảng đang phục hồi nhưng tốc độ rất chậm, nhất là ở các nước
thu hút nhiều lao động Việt Nam, khiến ngành XKLĐ trong nước gặp khó.
Hiện tại ở nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, cắt
giảm việc làm cũng ngày càng nhiều cùng với xu hướng sáp nhập các doanh
nghiệp dẫn đến lao động tại các nước sở tại cũng gặp khó khăn về việc
làm. Nhiều nước từng là các thị trường lớn như Hàn Quốc hay Các tiểu
vương quốc Arập thống nhất cũng đã giảm bớt nhu cầu tuyển dụng lao động
nước ngoài để nhường chỗ cho lao động trong nước. “Có thể chỉ tiêu không
đạt được nhưng đưa được hơn 8 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài
trong tình hình kinh tế thế giới hiện nay cũng là con số đáng mừng”, ông
Trào nói.
Về
nguyên nhân khiến XKLĐ năm 2010 chưa thể bứt phá, ông Nguyễn Lương Trào
cho rằng: Mặc dù không nước nào hạn chế nhập khẩu lao động Việt Nam
nhưng đã có nhiều hàng rào kỹ thuật được dựng lên để hạn chế như: không
tuyển chọn một số ngành cũng như trình độ kỹ thuật, chất lượng nguồn
nhân lực phải cao hơn. Mặt khác, các doanh nghiệp vẫn còn thận trọng
trong việc chọn thị trường mới nên tập trung phát triển thị trường
truyền thống có mức thu nhập trung bình. Hơn nữa, người lao động cũng
đang khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Tuy
nhiên, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài
nước (Bộ LĐTB-XH) lại lạc quan cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp XKLĐ
đang dồn sức để hoàn thành kế hoạch năm 2010 và theo ông Quỳnh chỉ tiêu
đưa 85.000 người đi làm việc ở nước ngoài năm nay có thể hoàn thành. Hai
thị trường đang tăng tốc, tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam hiện nay là
Hàn Quốc và Malaysia. Hiện thị trường Malaysia đang “ấm” trở lại với
mức lương cao và điều kiện làm việc tốt hơn. Còn thị trường Hàn Quốc chủ
yếu vẫn trong xu hướng lựa chọn lao động Việt Nam với tỷ lệ cao. Hiện
Bộ LĐTB-XH đã có phương án đẩy nhanh các thủ tục xuất cảnh để người lao
động không phải chờ đợi lâu.
Kỳ vọng năm 2011
Mặc
dù còn nhiều khó khăn do nền kinh tế thế giới phục hồi chậm nhưng theo
ông Quỳnh, năm 2011 ngoài các thị trường truyền thống thì một số thị
trường được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh như Đông Âu (Ba Lan, Belarus),
thị trường Trung Đông và châu Phi (Israel, Libya, Angola). Thị trường
châu Á trở thành “tâm điểm” mới và Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia, Hàn
Quốc sẽ thu hút nhiều lao động Việt Nam.
Theo
ông Quỳnh, hiện Malaysia vẫn là thị trường có khả năng tiếp nhận nhiều
lao động Việt Nam. Để đẩy mạnh số lượng lao động đưa sang làm việc tại
Malaysia cần phải làm tốt công tác thẩm định các hợp đồng tốt, ổn định,
ít rủi ro, hướng dẫn các doanh nghiệp ký kết, triển khai đưa lao động
đi. Hỗ trợ doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan chính quyền, đoàn thể ở
địa phương tổ chức tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc tại
Malaysia. Cung cấp cho người lao động thông tin đầy đủ, khách quan về
thị trường để người lao động đăng ký đi làm việc tại Malaysia. Đặc biệt,
theo dõi, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh, bảo đảm quyền lợi
của người lao động, không để các vụ việc kéo dài tạo tâm lý không tốt
cho người lao động và dư luận. Bên cạnh đó, Trung Đông là thị trường
trọng điểm đưa lao động đi trong những năm tới. Để đưa được nhiều lao
động sang Trung Đông, cần mở rộng công tác hỗ trợ đào tạo các nghề có
nhu cầu cao tại thị trường như nghề hàn, các nghề xây dựng, cơ khí, dịch
vụ… Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) hiện đang dẫn đầu về tiếp nhận lao
động Việt Nam và sắp tới đây vẫn là thị trường hấp dẫn. Libya hiện nay
đang có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài vào làm việc để tái thiết
đất nước sau thời gian dài bị cấm vận cũng là cơ hội cho lao động Việt
Nam.
Một
trong những thị trường hấp dẫn lao động Việt Nam nhất kinh tế đang hồi
phục nhanh và có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài là Hàn
Quốc. Theo ông Kim Do Hoon, cố vấn đầu tư và xúc tiến thương mại, Phòng
Xúc tiến thương mại đầu tư Hàn Quốc, trong năm 2011, các doanh nghiệp
Hàn Quốc cần tuyển trên 100.000 lao động phổ thông, tập trung vào các
lĩnh vực chế tạo, sản xuất, điện tử, may mặc. Trong khi đó, trong năm
2010 đã có hơn 30.000 lao động Việt Nam hoàn tất kiểm tra sức khỏe và
tiếng Hàn chờ sang làm việc tại Hàn Quốc. “Với nhiều tín hiệu vui từ các
thị trường lao động các nước, hy vọng tình hình XKLĐ nước ta sẽ khởi
sắc trong năm 2011. Chỉ tiêu đặt ra cho năm 2011 là đưa 87.000 lao động
đi làm việc ở nước ngoài nhưng chúng tôi hy vọng là sẽ vượt chỉ tiêu
này” – ông Quỳnh bày tỏ./
Nguồn: http://www.cpv.org.vn