“Hiện, Malaysia có nhu cầu tiếp nhận
hơn 100.000 lao động nước ngoài/năm. Chúng tôi đang rất cần lao động phù hợp
với công việc và có kỷ luật tốt”.
Thông
tin trên được Cục trưởng Cục Lao động, Bộ Nguồn nhân lực Malaysia Dato’Sh Yahya
Bin SH. Mohamed khẳng định tại Hội thảo “Hợp tác thúc đẩy hoạt động đưa người
lao động Việt Nam đi làm việc ở Malaysia” do Cục Quản lý lao động ngoài nước
phối hợp với Cục Lao động, Bộ Nguồn nhân lực Malaysia tổ chức ngày 15.4 tại Hà
Nội.
Lương
theo cung - cầu của thị trường
Ông
Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: Từ năm
2002 đến nay, đã có trên 190.000 lượt lao động Việt Nam (LĐVN) được đưa sang
làm việc tại 12 trong tổng số 13 bang của Malaysia, tập trung các lĩnh vực: Sản
xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ và giúp việc gia đình. Hiện có 138
DN XKLĐ được phép đưa LĐ sang làm việc tại Malaysia.
Về
thu nhập của người LĐ, ông Nguyễn Tiến San - Tham tán, Trưởng ban Quản lý LĐVN
tại Malaysia cho biết: LĐVN làm việc tại Malaysia có mức lương cơ bản khoảng
21RM/ngày. Qua khảo sát từ doanh nghiệp (DN) và LĐ, thu nhập bình quân của LĐ
đạt khoảng 900 - 1.100 RM/người/tháng (6-8 triệu đồng). LĐ có thâm niên (năm
thứ tư trở lên) thu nhập từ 1.200-1.500 RM/tháng, thậm chí có LĐ đạt được
2.000-3.000 RM/tháng.
Trao
đổi thêm về thu nhập của LĐ, Cục trưởng Cục Lao động, Bộ Nguồn nhân lực
Malaysia Dato’Sh Yahya Bin SH. Mohamed cho hay: “Hiện ở Malaysia không quy định
mức lương tối thiểu mà lương được thỏa thuận theo cung - cầu của thị trường nên
không thể đề xuất tăng lương cho LĐ nhập cư. Chúng tôi chỉ có thể cố gắng làm
sao để lương của LĐ nhập cư cũng như LĐ bản địa. Tuy nhiên, khi áp dụng chính
sách tiền lương theo thỏa thuận của thị trường, cung - cầu tự điều tiết cũng có
lợi cho người LĐ vì khi nhu cầu LĐ cao, cung không đáp ứng đủ thì chủ sử dụng
buộc phải đưa mức thu nhập cao lên”.
Nhiều
rào cản từ… sân nhà
Nhu
cầu tiếp nhận LĐ nước ngoài cao nhưng chất lượng LĐ, cụ thể là ý thức tổ chức
kỷ luật kém là một trong những rào cản của LĐVN. “Hay đòi hỏi chủ một cách vô
lý, nếu không vừa ý là nghỉ việc; sinh hoạt thiếu ngăn nắp, tiết kiệm; LĐ nam
thì uống rượu bia... là những phàn nàn của chủ Malaysia về LĐVN”- ông Nguyễn
Tiến San cho hay. Những hạn chế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng cạnh
tranh của VN với 12 quốc gia khác có LĐ sang làm việc ở Malaysia. Mặt khác,
công tác quản lý LĐ của ta còn yếu kém nên để phát sinh nhiều vụ việc phức tạp.
Ông
San dẫn chứng: Hiện có 138 DN được phép khai thác thị trường này, trong số này
có hơn 40 DN có số LĐ đang làm việc ở Malaysia là hơn 150 người nhưng hiện chỉ
có 3 DN có đại diện tại Malaysia. Việc báo cáo danh sách LĐ cho Ban Quản
lý LĐVN tại Malaysia cũng không được thực hiện nghiêm túc (năm 2010 chỉ có
23/74 DN thực hiện báo cáo) nên khi có vụ việc phát sinh khó có thể phối hợp
giải quyết, ảnh hưởng đến quyền lợi của LĐ.
Đại
diện của Cty Châu Hưng chia sẻ khó khăn trong việc tạo nguồn mà nguyên nhân
chính là nhiều địa phương không tạo điều kiện cho DN khai thác nguồn. Cụ thể,
tại Thanh Hóa, Nghệ An, Bắc Giang, giấy phép cấp cho DN tạo nguồn chỉ có thời
hạn 6 tháng. Ngoài ra, một số tỉnh lại giới hạn địa phận tạo nguồn, chỉ cho
phép DN tuyển ở một vài huyện nhất định.
Một
số DN tham dự tại hội thảo cũng kiến nghị, các ngân hàng cần tạo điều kiện cho
LĐ vay vốn. Cụ thể, tuy chi phí đi Malaysia làm việc không nhiều, chỉ hơn 20
triệu đồng, nhưng LĐ vẫn gặp không ít khó khăn khi làm thủ tục vay vốn tại các
ngân hàng. Để đẩy mạnh nguồn cung LĐ, nhiều DN đã áp dụng chính sách cho LĐ đi
làm việc trước, khấu trừ phí sau. Tuy nhiên, khi áp dụng chính sách này, DN gặp
không ít rủi ro bởi nhiều LĐ đã trốn ra ngoài làm việc sau khi sang Malaysia..
Nhu
cầu tiếp nhận của Malaysia đã rõ. Với hơn 10.300 LĐVN vừa trở về từ Libya và
LĐVN có nhu cầu XKLĐ đây thực sự là cơ hội tốt. Nhưng nếu những rào cản từ sân
nhà trên không sớm được xóa bỏ và cải thiện thì cơ hội sẽ không đến với LĐVN.
Ngọc Bảo
www.laodong.com.vn