Tuột dốc không phanh!
Việt Nam chính thức
mở thị trường XKLĐ sang Malaysia từ tháng 4-2002. Chỉ trong vòng 8
tháng sau đó, có đến 21.240 lao động được đưa sang nước này làm việc.
Đến năm 2003, lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia tiếp tục
tăng mạnh, với 38.227 người.
Vì quá chú trọng
đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo, các DN đã ồ ạt đưa lao động sang
Malaysia mà xem nhẹ khâu tuyển chọn, đào tạo lao động, chất lượng đơn
hàng, quản lý và bảo vệ NLĐ. Vì vậy, các vụ lao động bị ngược đãi, nợ
lương, trả lương không đúng như cam kết liên tục xảy ra nhưng không
được DN can thiệp, bảo vệ kịp thời. Đặc biệt, giữa năm 2003, dịch Sars
xảy ra ở Malaysia khiến hàng ngàn lao động phải về nước trước hạn, kéo
theo hàng loạt tranh chấp, khiếu kiện tập thể kéo dài tác động tiêu cực
đến tâm lý người dân
Hệ quả là 2 năm ồ
ạt đưa lao động đi, số lượng lao động sang Malaysia đã giảm chỉ còn
18.800 người vào năm 2004. Dù rất nỗ lực để lôi kéo lao động trở lại
với thị trường này nhưng đến năm 2008, số lượng lao động sang Malaysia
tiếp tục giảm nhanh xuống còn 7.810 người và tiếp tục tuột dốc còn
2.792 người vào năm 2009…
Tiền lương quá thấp
Theo quy định hiện nay của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, các DN phải bảo đảm mức lương cơ
bản cho NLĐ sang Malaysia từ 21 RM (khoảng 145.000 đồng)/ngày trở lên
(1 RM tương đương 6.900 đồng). Trong các hoạt động tuyển dụng và ký kết
hợp đồng với NLĐ, các DN đã cụ thể hóa mức lương trả theo ngày bằng
lương trả theo tháng với mức tối thiểu 546 RM/người; đồng thời cam kết
thu nhập của NLĐ tối thiểu từ 750 – 800 RM/tháng, thu nhập thực tế bình
quân từ 1.000 – 1.200 RM/tháng. Cách tính này khiến NLĐ nghĩ rằng trong điều kiện xấu nhất thì họ cũng có thu nhập ở mức tối thiểu nói trên
Tuy nhiên, thực tế
không phải vậy. Pháp luật hiện hành của Malaysia cho phép trả lương
theo ngày. Vì thế, chỉ những người làm đủ 26 ngày/tháng mới có lương cơ
bản 546 RM trong khi đa phần lao động Việt Nam chỉ được bố trí làm từ
15-20 ngày, thậm chí dưới 10 ngày. Hiện thu nhập phổ biến của lao động
Việt Nam tại Malaysia chỉ từ 700 – 800 RM/tháng, khoảng 4,8 triệu – 5,5
triệu đồng. Sau khi trừ chi phí ăn (hầu hết chủ sử dụng Malaysia không
đài thọ ăn cho NLĐ), chi tiêu sinh hoạt, đi lại… thì tiết kiệm lắm mỗi
người cũng chỉ tích lũy được khoảng 2 triệu đến 3 triệu đồng/tháng. Mức
thu nhập trên không cao hơn đối với một công nhân làm việc trong nước,
thậm chí không bằng lao động tự do làm nghề bốc vác, phụ hồ.
Nên đưa lao động có nghề
Tại hội thảo do Bộ
LĐ-TB-XH tổ chức mới đây, khi Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa nêu ra chủ
trương thúc đẩy hợp tác đưa NLĐ sang Malaysia, chọn đây làm thị trường
chính để triển khai đề án hỗ trợ các huyện nghèo, đã có không ít ý kiến
trái chiều. Nếu chỉ dừng lại ở mục tiêu giải quyết việc làm, xóa đói
giảm nghèo thì ngay đối tượng của mục tiêu này là lao động nhàn rỗi,
diện nghèo, trình độ thấp ở nông thôn cũng “chê” thị trường Malaysia.
Thay vào đó, nên chuyển hướng XKLĐ có nghề, giúp NLĐ cải thiện cuộc
sống và có thể vận dụng tay nghề, chuyên môn cho công việc sau này khi
về nước.
Hiện nay, một số DN đang tích cực thực hiện sự chuyển hướng này. Điển hình như Công ty Châu Hưng vừa ký hợp đồng cung ứng 30 kỹ sư công nghệ thông tin sang
làm việc cho Nhà máy Idimension MSC SDN BHD tại Malaysia với thu nhập
từ 15 triệu đến 25 triệu đồng/người/tháng. Công ty Sovilaco cũng đang
triển khai đơn hàng đưa 50 công nhân kỹ thuật, thợ tiện sang Malaysia,
thu nhập từ 11 triệu đến 20,5 triệu đồng/người/tháng…