I. Sự cần thiết phải
thành lập trung tâm đào tạo, bồi dưỡng xuất khẩu lao động
Xuất khẩu lao động là một hoạt động kinh tế -
xã hội góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và
nâng cao trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp cho người lao động, tăng nguồn
thu ngoại tệ cho đất nước. Công tác xuất khẩu lao động được Đảng và Nhà nước ta
quan tâm từ những năm 1980, tại Đại hội Đảng lần thứ V đã xác định “... mở rộng
đưa lao động ra nước ngoài bằng nhiều hình thức thích hợp, coi đó là một bộ phận
hữu cơ của chương trình lao động việc làm nói chung”. Trong Nghị quyết Đại hội
Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục thực hiện chương
trình xuất khẩu lao động, tăng tỉ lệ lao động xuất khẩu đã qua đào tạo, quản lý
chặt chẽ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động”.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước
ngoài theo hợp đồng được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày
29/11/2006 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2007. Luật dành một chương (chương IV)
quy định việc dạy nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho lao động
trước khi đi làm việc ở nước ngoài; chính sách của Nhà nước đối với việc đầu tư
cho các cơ sở dạy nghề tạo nguồn cho lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Đào tạo, bồi dưỡng xuất khẩu lao động sẽ trực tiếp giải quyết việc làm,
nâng cao đời sống nhân dân; nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, tác phong
lao động công nghiệp, phát triển nguồn nhân lực; góp phần tăng trưởng kinh tế,
xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Mặc dù xuất khẩu lao động đã đạt được nhiều kết quả, nhưng còn một số vấn đề cần
giải quyết như: các đơn vị làm nhiệm vụ xuất khẩu lao động cần phải có trách
nhiệm đối với số lao động do mình đưa đi xuất khẩu, hiểu biết luật pháp quốc tế,
có lương tâm nghề nghiệp. Do đó đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ
cho cán bộ quản lý thực hiện nhiệm vụ xuất khẩu lao động là cần thiết.
II. Mục tiêu, qui mô
đào tạo:
1) Mục tiêu chung:
Đào tạo, bồi dưỡng xuất khẩu lao động đáp ứng
yêu cầu về số lượng, đảm bảo chất lượng, cơ cấu ngành nghề đáp ứng yêu cầu thị
trường lao động nước ngoài, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời
sống người lao động.
2) Mục tiêu cụ thể:
Tổ chức đào tạo nghề, giáo dục định hướng, dạy
ngoại ngữ nhằm trang bị cho người lao động năng lực thực hành nghề tương
xứng với trình độ đào tạo, có khả năng giao tiếp, có sức khỏe, đạo đức lương
tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường
lao động ngoài nước. Đồng thời bồi dưỡng cán bộ quản lý thực hiện nhiệm vụ xuất
khẩu lao động.
Đến năm 2010, lao động đi làm việc ở nước ngoài có nghề đạt 70%; trong đó, lao
động lành nghề và trình độ cao trở lên đạt 30%; năm 2015, 100% lao động đi làm
việc ở nước ngoài có nghề, trong đó 40% có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.
3) Qui mô đào tạo:
Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng xuất khẩu lao động
họat động với lưu lượng tối đa 1.500 học viên tập trung các nhiệm vụ: giáo dục
định hướng, dạy ngoại ngữ, đào tạo nghề theo yêu cầu thị trường xuất khẩu lao động,
bồi dưỡng cán bộ quản lý thực hịện nhiệm vụ xuất khẩu lao động.
III. Chức Năng,
Nhiệm Vụ:
1. Chức năng:
Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng xuất khẩu lao động
nhằm trang bị cho người lao động năng lực thực hành nghề tương xứng với
trình độ đào tạo, có sức khỏe, đạo đức lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật,
tác phong công nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động ngoài nước.
2. Nhiệm vụ:
- Giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi
làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
- Đào tạo Anh ngữ cho một số lao động xuất khẩu đạt
trình độ chuẩn TOFEL, IELTS đáp ứng thị trường lao động một số quốc gia
như: Mỹ, Canada, Australia, Singapore… Đồng thời dạy tiếng Nhật, Pháp,
Trung Quốc, Hàn ...
- Đào tạo nghề cho người lao động đáp ứng kỹ năng hành
nghề của thị trường lao động ngoài nước.
- Đào tạo ngoại ngữ song hành với nâng cao tay nghề,
cho người lao động đã qua đào tạo hoặc những người đã xuất khẩu lao động
trở về mong muốn tiếp tục đi xuất khẩu lao động.
- Bồi dưỡng nghiệp vụ xuất khẩu lao động cho cán bộ
các đơn vị làm công tác xuất khẩu lao động, các doanh nghiệp, tổ chức đưa
người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
- Mở rộng hoạt động liên kết đào tạo với các cá nhân
và cơ quan chức năng trong và ngoài nước để đẩy mạnh hoạt động của trung
tâm thông qua xuất khẩu lao động, giới thiệu việc làm, tư vấn du học.
Nguồn: http://www.hvct.edu.vn